Giáo dục nghề nghiệp ở Nghệ An - vấn đề và giải pháp

Thứ năm - 22/09/2022 20:53 555 0
Nghệ An là tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội rất lớn. Ngoài điều kiện thuận lợi về địa lý, Nghệ An còn có thuận lợi vô giá về con người. Người Nghệ An ham học, thông minh, tài giỏi, là cái nôi sản sinh ra nhiều nhà khoa học tài ba, nhà chính trị lỗi lạc. Những thuận lợi đó, vẫn còn ở dạng tiềm ẩn mà Nghệ An chưa phát huy được hết, đặc biệt trong giáo dục nghề nghiệp.
Giáo dục nghề nghiệp ở Nghệ An - vấn đề và giải pháp

Vì vậy, từ nhiều năm nay tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, cân đối ngành nghề trong đào tạo chưa phù hợp với tiến trình phát triển nguồn lực. Phần lớn số lao động chỉ được đào tạo qua các ngành: Kế toán tài chính, quản trị kinh doanh, sửa chữa ô tô - xe máy, may mặc, điện dân dụng, điện tử, du lịch… các nghề chế biến nông lâm hải sản, vật liệu xây dựng, lắp máy, chế tạo máy, công nghệ thông tin… còn quá ít. Sự bất cập này đã làm cho quá trình tạo việc làm cho người lao động sau đào tạo gặp nhiều khó khăn, năng suất và hiệu quả lao động thấp.

 Vấn đề giáo dục nghề nghiệp tỉnh nghệ An

Thấy được những khó khăn, thuận lợi đó, trong nhiều năm qua, Nghệ An đã có nhiều biện pháp quyết liệt đầu tư, nâng cấp xây dựng hệ thống trường dạy nghề, các trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp tại các huyện, thành thị, các vùng kinh tế trọng điểm. Tính đến 31/12/2020, toàn tỉnh đã có 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên đầu tư diện tích xây dựng, chú trọng đội ngũ quản lý và giáo viên, nâng cấp trang thiết bị, hệ thống các trường dạy nghề trong tỉnh hàng năm đủ điều kiện đào tạo 88.500 lao động/năm.

Với nhiều cố gắng trong chiêu sinh, đào tạo, chất lượng đào tạo nghề trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng đào tạo nghề đã có chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh, sinh viên đạt khá, giỏi trong các trường cao đẳng, trung cấp là 35% (tăng 14,2% so với năm 2014). Tại các kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia trong những năm gần đây, đã có nhiều học sinh đạt giải cao. Đặc biệt năm 2015, năm 2018 tham gia Kỳ thi tay nghề các cấp quốc gia có 10/12 thí sinh đạt giải, Kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN đạt huy chương bạc; Kỳ thi Quốc tế đạt Chứng chỉ kỹ năng nghề thế giới. Qua đó cho thấy chất lượng lao động qua đào tạo nghề đã từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước, nhất là nhu cầu cho các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp FDI và cho xuất khẩu lao động.

 

HĐND tỉnh kiểm tra công tác đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án số 14-ĐA/TU ngày 25/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nghệ An phấn đấu đào tạo 329.400 lượt người, gồm các cấp trình độ: Cao đẳng 26.300 người; trung cấp 48.500 người; sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng 254.600 người.

Mục tiêu của kế hoạch phấn đấu tỷ lệ lao động có việc làm sau tốt nghiệp bình quân chung đạt 80,9%; có 3 - 5 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,5%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 31% vào cuối năm 2025 (riêng vùng đồng bào DTTS, miền núi đạt 64,1%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 23,5%). Phấn đấu khoảng 75% chương trình ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia...

Đến năm 2030, Nghệ An phấn đấu đào tạo kỹ năng nghề giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến khoảng 329.700 lượt người. Tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp bình quân chung đạt 83,3%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 37,8% vào cuối năm 2030. Phấn đấu có 1 - 2 trường chất lượng cao đạt chuẩn tương đương với chuẩn của các nước ASEAN-4.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tới đây giáo dục nghề nghiệp Nghệ An đòi hỏi phải có sự đổi mới toàn diện cả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo.

Thực tế cho thấy, sự phát triển của các các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh so với yêu cầu còn nhiều bất cập. Chất lượng đội ngũ giáo viên còn chưa ngang tầm, tình trạng dạy chay, học chay chưa được chấm dứt. Yêu cầu đào tạo toàn diện “dạy nghề, dạy người” chưa được chú trọng đúng mức. Kỷ luật lao động, văn hóa trong ứng xử của học viên sau khi ra trường còn nhiều vấn đề. Hiện tượng các khu công nghiệp phía Nam từ chối nhận lao động Nghệ An, hiện tượng lao động bỏ trốn, vi phạm pháp luật nước sở tại trong xuất khẩu lao động đang dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về công tác giáo dục chính trị, xây dựng con người văn hóa trong các trường dạy nghề ở Nghệ An. Nhiệm vụ xây dựng “thương hiệu lao động Nghệ An”, công tác điều tra khảo sát thị trường lao động trong nước và nước ngoài để tiến tới “đào tạo theo địa chỉ” đang là những vấn đề lớn đặt ra đòi hỏi các cơ sở đào tạo lao động trong tỉnh phải đổi mới toàn diện các khâu tuyển sinh, đào tạo, gắn quá trình đào tạo nghề với quá trình xây dựng con người mới, gắn với sự phát triển của các doanh nghiệp trong thời kỳ CNH - HĐH, hội nhập quốc tế.

Một số giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Nghệ An

Thứ nhất, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa, giảm đầu mối, và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa. Sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp yếu kém, hoạt động không hiệu quả, không đủ năng lực triển khai tự chủ; Tập trung nguồn lực đầu tư một số trường chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm; khuyến khích phát triển các cơ sở ngoài công lập; phát triển mạnh mẽ các mô hình đào tạo nghề trong doanh nghiệp; hợp tác với doanh nghiệp để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Quy hoạch một số ngành nghề đào tạo theo tiêu chuẩn của các nước Đông Nam Á...

 Thực hiện tự chủ toàn diện; chuyển đổi hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, đi đôi với trách nhiệm giải trình, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước và xã hội.

HĐND tỉnh khảo sát tại Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật miền Tây Nghệ An

Thứ hai, bổ sung, hoàn chỉnh mạng lưới các cơ sở dạy nghề theo hướng đảm bảo số lượng, phù hợp thị trường lao động về cơ cấu ngành nghề và phân bổ vùng, miền, đáp ứng quy hoạch phát triển ngành, nghề truyền thống và phục vụ tốt cho nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cần được ưu tiên đầu tư diện tích xây dựng, chú trọng đội ngũ quản lý và giáo viên, nâng cấp trang thiết bị. Phải phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh hàng năm đủ điều kiện đào tạo từ 70.000 lao động trở lên.

Thứ ba, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng “dạy người, dạy nghề”, “đào tạo theo nhu cầu xã hội”, “đào tạo theo địa chỉ”. Chỉ đạo thành công các dự án đầu tư các nghề trọng điểm đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Đầu tư, đổi mới trang thiết bị dạy nghề, khắc phục nhanh tình trạng dạy chay, tụt hậu cả về quy mô và chất lượng. Bên cạnh việc hình thành và phát triển các trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề phải đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế về dạy nghề, chú trọng liên kết trong và ngoài nước đào tạo những nghề mà Nghệ An chưa đủ điều kiện.

Thứ tư, xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích và có cơ chế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cho dạy nghề, phát triển các cơ sở ngoài công lập, cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư dạy nghề gắn với tạo việc làm sau dạy nghề. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp, cơ chế về đào tạo nghề nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước, khu vực và quốc tế cho các cơ sở đào tạo nghề. Có chính sách khuyến khích đội ngũ giáo viên, thu hút nghệ nhân, thợ bậc cao, học sinh giỏi vào nhiệm vụ đào tạo nghề. Thực hành nghiêm các quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ, bằng nghề. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát kịp thời uốn nắn các thiếu sót, lệch lạc và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đào tạo.

Thứ năm, tạo liên kết bền vững trong tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm giữa các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp, các tổ chức xuất khẩu lao động. Kết hợp đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thực hành tại các doanh nghiệp. Hai ngành lao động thương binh và xã hội và giáo dục đào tạo phải có chương trình phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, định hướng nghề cho học sinh, phân luồng học sinh sau THCS và THPT để khắc phục nhanh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Phát triển hệ thống thông tin, thị trường lao động thông qua cơ sở dữ liệu về cung, cầu lao động có phân tích và đánh giá theo định kỳ để dự báo đúng nhu cầu thị trường xác định đúng cơ cấu, nội dung đào tạo, nhằm đáp ứng chiến lược đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp.

Công Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay1,882
  • Tháng hiện tại65,897
  • Tổng lượt truy cập1,405,147
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây